12 type HPV nguy cơ cao là gì? Cách nào để ngăn ngừa?

Virus HPV hiện được phân lập với hơn 100 type khác nhau, trong đó có hơn 40 type có khả năng gây bệnh lây truyền qua đường tình dục, 12 type HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến nhiều bệnh ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ giới.

1. 12 type HPV nguy cơ cao là gì?

Virus HPV là virus gây u nhú và các bệnh ung thư nguy hiểm ở người. HPV không phải là một loại virus đơn lẻ, mà là một nhóm virus lớn với nhiều type; trong đó, mỗi type đều được đặt tên theo số. Virus chủ yếu lây qua đường tình dục, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua âm đạo, hậu môn, hầu họng,…

Phần lớn các trường hợp nhiễm virus HPV không biểu hiện triệu chứng cụ thể, trong một số trường hợp người nhiễm virus có biểu hiện lâm sàng với các tổn thương tại chỗ trên da như viêm xơ cứng, sùi niêm mạc, khối u papilloma sinh dục.

Có hơn 140 type virus HPV, trong đó có khoảng 40 type lây truyền qua đường tình dục. Trong 40 type này lại phân thành nhóm nguy cơ thấp và 12 type thuộc nhóm nguy cơ cao gây nên các bệnh lý nguy hiểm ở nam và nữ giới. 12 type virus nguy cơ cao bao gồm: HPV 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59. Mỗi người có thể nhiễm 1 hoặc cả 12 type virus HPV nguy cơ cao. Với trường hợp nhiễm cả 12 type, thì nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những trường hợp còn lại.

2. Chi tiết các chủng virus nguy cơ cao trong 12 type HPV

2.1. HPV type 16

Virus HPV type 16 là một trong những chủng virus HPV thường gặp nhất gây bệnh ung thư cổ tử cung. Cùng với HPV type 18, hai chủng này thường được tìm thấy trong 71% mẫu sinh thiết ung thư cổ tử cung. HPV type 16 còn là nguyên nhân gây ung thư vòm họng, hơn ⅓ mẫu máu bệnh nhân ung thư vòm họng có chứa chủng virus này. Ngoài ra, HPV type 16 còn có thể dẫn đến ung thư dương vật ở nam giới.

2.2. HPV type 18

Virus HPV type 18 là chủng virus nguy hiểm và nổi bật nhất trong số 12 chủng virus HPV nguy cơ cao.

Những chủng virus HPV thông thường khác có thể không hình thành bệnh và tự đào thải khỏi cơ thể. Nhưng HPV type 18 có khả năng tiến triển nhanh, đặc biệt khi có các nhân tố thuận lợi khác như quan hệ sớm, nhiều bạn tình.

Theo thời gian, nếu không được kiểm soát và điều trị, virus HPV type 18 có thể làm biến đổi cấu trúc mô ở cổ tử cung thành các tế bào nguy hại cho cơ thể phụ nữ, gây ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, chủng virus này còn có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư âm đạo, ung thư dương vật, mụn cóc sinh dục,…

Virurs HPV type 16, 18 là 2 chủng virus nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư nguy hiểm khác

2.3. HPV 31 33 35

Type HPV 31HPV 33 và HPV 35 cũng thuộc nhóm virus HPV nguy cơ cao. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, không phải tất cả các trường hợp nhiễm virus HPV nguy cơ cao đều sẽ tiến triển thành bệnh ung thư. 80% trường hợp nhiễm virus HPV sẽ thoáng qua và tự đào thải. Chỉ những trường hợp nhiễm virus HPV nguy cơ cao mạn tính mới tiến triển thành bệnh ung thư.

Ngoài ra, từ khi nhiễm virus HPV mạn tính đến khi tiến triển thành ung thư xâm lấn cần khoảng thời gian ít nhất là 10 năm. Trong giai đoạn này nếu người bệnh tuân thủ chế độ theo dõi sát sẽ hỗ trợ tốt cho việc phát hiện sớm và điều trị các tổn thương tiền ung thư.

2.4. HPV type 39

Người nhiễm virus HPV type 39 không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Đối với những người có khả năng miễn dịch mạnh, virus không nhân lên và không biểu hiện triệu chứng. Nếu người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh, virus sẽ thừa cơ hội nhân lên và phát triển thành bệnh.

Virus HPV type 39 có thể gây mụn cóc sinh dục và các bệnh ung thư nguy hiểm ở cả nam và nữ giới. Ở phụ nữ triệu chứng của virus HPV type 39 rầm rộ hơn nam giới và có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh sau này.

Virus HPV type 39 có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh sau này

2.5. HPV type 45

Virus HPV type 45 chiếm khoảng 5% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới. Đây là kết quả của cuộc nghiên cứu về mối liên hệ của virus HPV type 45 và nguy cơ ung thư cổ tử cung được thực hiện trên 300 mẫu bệnh phẩm dương tính với type HPV 45 từ 36 quốc gia.

Dựa trên mức độ phổ biến của virus, HPV type 45 được xem là chủng virus HPV có khả năng gây ung thư hàng thứ 3, sau HPV type 16 và 18.

2.6. HPV type 51

Theo đánh giá của các chuyên gia, virus HPV type 51 là chủng virus nguy hiểm thuộc nhóm nguy cơ cao, có khả năng phát triển và biến đổi các tế bào trong cơ thể người. Người nhiễm virus HPV type 51 có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Xuất hiện mụn nước li ti màu hồng, trắng nổi theo từng khu như súp lơ. Thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục, miệng, lưỡi gây đau rát, ngứa ngáy ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
  • Gây nên tình trạng u nhú, nổi thành từng mảng được ví như mào gà nên được gọi là sùi mào gà.
  • Đau buốt khi tiểu tiện, đại tiện.
  • Âm đạo chảy máu bất thường.
  • Đau bụng dưới khi quan hệ tình dục.
Người nhiễm virus HPV type 51 có thể nổi u nhú trên da, đau khi tiểu tiện, âm đạo chảy máu bất thường, đau bụng dưới khi quan hệ

2.7. HPV type 52

Virus HPV type 52 là chủng virus ít được biết hơn so với HPV 16, 18. Tuy nhiên, đây cũng là chủng thuộc nhóm virus có nguy cơ cao có khả năng gây ung thư. Virus HPV type 52 có kiểu gen tương tự với chủng 16.

Trước đây 2 chủng virus này được xem là 1, nhưng cho đến năm 2010, sau khi tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm, các nhà khoa học nhận ra 2 chủng virus này có những đặc điểm riêng nên được tách ra thành 2 chủng khác nhau. Ngoài có khả năng dẫn đến ung thư cổ tử cung, virus HPV type 52 còn có khả năng gây ung thư trực tràng, ung thư âm đạo, dương vật, hầu họng,…

2.8. HPV type 56

Tuy nằm trong nhóm các virus HPV nguy cơ cao, nhưng nguy cơ gây ung thư của virus HPV type 56 lại thấp hơn chủng 16 và 18. Để đánh giá mức độ gây bệnh của virus này, có thể xếp chúng vào mức gây bệnh trung bình – thấp. Tuy nhiên, vẫn không nên chủ quan trước chủng virus này.

Không nên đánh giá thấp bất kỳ loại virus HPV nào vì khả năng biến đổi các tế bào trong cơ thể

2.9. HPV type 58

HPV 58 là chủng virus HPV được xác định vào năm 1990, có mối liên quan đến chủng virus nguy hiểm bậc nhất 16 và 18. Virus HPV type 58 có mối liên quan với các tổn thương tiền ung thư của tế bào biểu mô cổ tử cung (CIN) gây các bệnh sùi mào gà, ung thư cổ tử cung, tổn thương tiền ung thư,…

2.10. HPV type 59

Virus HPV type 59 thường trú dưới lớp niêm mạc của da, trong màng tế bào của cơ quan sinh dục. Dần dần, DNA của virus xâm nhập vào trong tế bào. Khi hệ miễn dịch của cơ thể giảm đi, virus sẽ thừa cơ hội làm biến đổi tế bào và gây bệnh. Virus HPV type 59 có khả năng gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa rằng ai nhiễm virus HPV type 59 cũng mắc ung thư cổ tử cung, nguy cơ mắc bệnh còn tùy thuộc vào thể trạng của từng người.

TYPE VIRUS HPV VÀ BỆNH LIÊN QUAN

STT BỆNH LOẠI VIRUS
1 Mụn cóc lòng bàn chân 1, 2, 4, 63
2 Mụn cóc thông thường 2, 1, 7, 4, 26, 27, 29, 41, 57, 65, 77, 1, 3, 4, 10, 28
3 Mụn cóc phẳng 3, 10, 26, 27, 28, 38, 41, 49, 75, 76
4 Các tổn thương da khác (ví dụ u nang biểu bì, ung thư biểu mô thanh quản) 6, 11, 16, 30, 33, 36, 37, 38, 41, 48, 60, 72, 73
5 Epidermodysplasia verruciformis (EV) – Hội chứng người cây 2, 3, 10, 5, 8, 9, 12, 14, 15, 17, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 36, 37, 38, 47, 50
6 U nhú đường hô hấp tái phát 6, 11
7 Tăng sản biểu mô khu trú của Heck 13, 32
8 U nhú/ung thư biểu mô kết mạc 6, 11, 16
9 Condyloma acuminata (mụn cóc sinh dục) 6, 11, 30, 42, 43, 45, 51, 54, 55, 70
10 Ung thư biểu mô cổ tử cung 16, 18, 31, 45, 33, 35, 39, 51, 52, 56, 58, 66, 68, 70

3. Phân biệt giữa 12 type HPV nguy cơ cao và HPV type 12

Virus HPV type 12 không nằm trong nhóm 12 type virus HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư nguy hiểm khác. Vì vậy, người mắc virus HPV type 12 ít có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư sinh dục; tuy nhiên, nếu phát hiện bản thân nhiễm HPV 12 bạn nên làm thêm xét nghiệm tế bào học cổ tử cung Pap Smear, soi cổ tử cung để sớm phát hiện các tổn thương bất thường. Nếu kết quả xét nghiệm cổ tử cung không phát hiện bất thường, bạn cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục, chống viêm nhiễm âm đạo cổ tử cung tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển.

4. 6 bệnh nguy hiểm gây ra bởi 12 type HPV cần đề phòng

4.1. Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là 1 trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 99.7% trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virus HPV. Với hơn 140 chủng virus, 12 chủng virus nguy cơ cao có khả năng dẫn đến ung thư cổ tử cung. Phổ biến nhất là các type 16, 18 – nguyên nhân của hơn 70% trường hợp mắc bệnh ở nữ giới, tiếp theo là type 31 và 45.

Ung thư cổ tử cung có thể diễn tiến âm thầm ở giai đoạn đầu với những triệu chứng không điển hình, gần giống với những bệnh phụ khoa khác như nhiễm trùng âm đạo, tử cung dễ khiến người bệnh nhầm lẫn. Một số triệu chứng điển hình của bệnh có thể kể đến như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Tiết dịch âm đạo bất thường;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đau lưng hay đau vùng xương chậu.

Ngoài ra, ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn còn khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau vùng chậu hay đau lưng, tiểu không kiểm soát,…

Ung thư cổ tử cung có 4 giai đoạn nhưng chỉ khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu tiên mới có thể bảo toàn chức năng sinh sản, giữ lại phần tử cung của người bệnh. Các giai đoạn sau, bệnh nhân phải điều trị bằng phương pháp hóa trị kết hợp xạ trị khiến người bệnh khó bảo tồn chức năng sinh sản.

Ung thư cổ tử cung là 1 trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu tại Việt Nam

4.2. Ung thư hầu họng

Hầu họng là phần giữa họng và sau mũi. Ung thư hầu họng gồm đáy lưỡi, amidan, khẩu cái mềm và thành sau họng. Ung thư hầu họng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở nam giới. Nam giới có nguy cơ mắc ung thư hầu họng cao gấp đôi ở phụ nữ. Hơn 70% trường hợp ung thư hầu họng là do virus HPV lây truyền qua đường tình dục, do quan hệ bằng đường miệng gây ra; các yếu tố nguy cơ khác bao gồm rượu và thuốc lá.

Ung thư hầu họng được chia thành năm giai đoạn, từ 0 đến IV. Ở giai đoạn đầu, khối u còn ở vòm họng chưa di căn sang các vị trí khác. Bệnh nhân có những triệu chứng không rõ ràng như nổi hạch cổ, khàn giọng, khó nuốt…

Bệnh nhân ung thư hầu họng giai đoạn đầu kết hợp xạ trị và hóa trị tùy vào tình trạng khối u và di căn. Bệnh nhân ung thư hầu họng giai đoạn đầu thường có tiên lượng sống tốt, tỷ lệ sống sau 5 năm là 60% – 75%. Trong những trường hợp bệnh nhân vẫn còn hạch cổ sau kết thúc hóa xạ trị, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nhằm loại bỏ hạch.

⇒ Hãy xem thêm bài viết sau: Virus HPV ở nam giới gây bệnh gì? Dấu hiệu bị nhiễm

Ung thư hầu họng do virus HPV đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở nam giới

4.3. Ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn xảy ra khi các tế bào ở ống hậu môn bị biến đổi tạo thành các khối u. Ung thư hậu môn được phân thành 5 loại, dựa trên 5 loại tế bào khác nhau:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy;
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp;
  • Ung thư biểu mô tuyến;
  • Ung thư biểu mô tế bào đáy;
  • Ung thư hắc tố Melanoma.

Có nhiều nghiên cứu kết luận rằng nhiễm virus HPV là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư hậu môn. Theo khảo sát của Globocan năm 2020, virus HPV là nguyên nhân dẫn đến 579 ca mắc mới và 321 ca tử vong do ung thư hậu môn. Một số yếu tố nguy cơ khác dẫn đến ung thư hậu môn gồm: Tuổi tác, tổn thương thường xuyên ở hậu môn, rò hậu môn, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch.

Cũng như các bệnh ung thư khác, điều trị ung thư cổ tử cung có 3 phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Phương pháp điều trị phù hợp dựa vào loại ung thư hậu môn, giai đoạn bệnh; cân nhắc biến chứng và tác dụng phụ của điều trị; thể trạng và lựa chọn của bệnh nhân.

4.4. Ung thư âm đạo, ung thư âm hộ

Ung thư âm hộ, âm đạo ít gặp hơn ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Tại Mỹ, khoảng 4700 ca ung thư âm hộ được phát hiện và điều trị mỗi năm. Ung thư âm hộ đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư phụ khoa nói chung, chiếm 5% trong ung thư đường sinh dục ở nữ giới, trong đó có khoảng 990 ca tử vong.

Tại Việt Nam, ung thư âm hộ chiếm từ 3% đến 5% các bệnh ung thư sinh dục nữ, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, thường gặp ở lứa tuổi 65 – 75 tuổi. Ung thư âm hộ xảy ra khi các tế bào trong âm hộ phát triển ngoài tầm kiểm soát và lấn át các tế bào bình thường.

Các tế bào ung thư có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể như bàng quang và phát triển tại đó, được gọi là di căn. Triệu chứng ung thư âm hộ gồm những thay đổi trên phần da của âm hộ, cảm giác da dày, thô ráp, nóng rát, ngứa, vết loét hở, vết đốm, chảy dịch âm đạo.

Đối với bệnh ung thư âm đạo được chia thành nhiều loại ung thư khác nhau, nhưng thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy khi tế bào ung thư xuất phát từ lớp lót mặt trong ống âm đạo. Một số triệu chứng ung thư âm đạo, gồm: Chảy máu (thường gặp sau quan hệ tình dục), rong kinh, khí hư âm đạo, đau trong khi quan hệ tình dục.

Để điều trị ung thư âm hộ, âm đạo, các bác sĩ dựa trên loại ung thư và giai đoạn bệnh, vị trí khối u nguyên phát, khả năng chữa khỏi hoặc điều trị triệu chứng của từng phương pháp, tuổi, thể trạng chung của người bệnh, các bệnh mắc kèm, đáp ứng của bệnh nhân với điều trị.

Các phương pháp điều trị thông thường được áp dụng với bệnh nhân ung thư âm đạo, âm hộ gồm: xạ trị, hóa trị, phẫu thuật (phẫu thuật bằng tia laser, cắt âm hộ đối với bệnh nhân ung thư âm hộ).

Bên cạnh ung thư cổ tử cung, virus HPV có thể gây ung thư âm hộ, âm đạo

4.5. Ung thư dương vật

Ung thư dương vật là bệnh nghiêm trọng và hiếm gặp ở nam giới. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, chiếm 6% đến 8% tổng số các ca bệnh ung thư.

Vị trí khởi phát của ung thư dương vật thường trong hoặc trên rãnh quy đầu. Hơn nữa, khi ung thư càng lớn, càng dễ di căn theo đường bạch huyết vào bẹn và sau bìu, rồi di căn sang các cơ quan xa hơn khác. Tỷ lệ cắt bỏ bán phần hoặc toàn phần dương vật ở giai đoạn muộn là 70% – 80%, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hôn nhân và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư có thể kể đến như:

  • Nhiễm virus HPV, quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều bạn tình;
  • Hẹp bao quy đầu;
  • Người nhiễm HIV;
  • Tuổi tác;
  • Có tiền sử tổn thương như bệnh bạch sản, bệnh Buschke-Lowenstein, Bệnh Bowen,…

Triệu chứng ung thư dương vật ở giai đoạn đầu thường là thay đổi màu da bộ phận sinh dục, đau nhói hay đau âm ỉ dương vật nhất là sau khi cương cứng hoặc va chạm, bao quy đầu không thể di chuyển lên, có cục u, sần, nổi mụn cóc, loét hình hoa lơ sau đó lan rộng hơn, tiết dịch có mùi hôi. Điều trị ở giai đoạn đầu thường mang lại hiệu quả cao.

Ở giai đoạn muộn các tế bào đã di căn. Người bệnh gầy, nôn ra máu, không muốn ăn. Ung thư di căn hạch bẹn bắt buộc phải xạ trị, chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến việc duy trì khả năng sinh sản, ảnh hưởng quan hệ vợ chồng.

Ung thư dương vật thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, chiếm 6% đến 8% tổng số các ca bệnh ung thư

5. Làm sao để phòng ngừa 12 type HPV nguy cơ cao

Để phòng ngừa virus HPV nói chung và 12 type HPV nguy cơ cao nói riêng, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người lớn từ 9-45 tuổi chủ động tiêm ngừa vắc xin Gardasil hoặc Gardasil 9 phòng virus HPV, kiểm tra sức khỏe định kỳ và quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn.

5.1. Tiêm ngừa vắc xin HPV

Chủ động tiêm vắc xin phòng virus HPV là một trong những biện pháp cần được ưu tiên hàng đầu do đơn giản, thuận tiện, hiệu quả bảo vệ lâu dài. Vắc xin Gardasil và Gardasil 9 là hai loại vắc xin duy nhất trên thế giới hiện nay có thể phòng ngừa được các bệnh lý ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, ung thư âm hộ/âm đạo, u nhú sinh dục… do virus HPV gây ra.

5.2. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các biến đổi của tế bào có khả năng gây ung thư, từ đó có phác đồ điều trị thích hợp. Ở phụ nữ, có 2 loại xét nghiệm tế bào nhằm tầm soát ung thư cổ tử cung: xét nghiệm Pap smear truyền thống, và xét nghiệm Thinprep hiện đại.

Ngoài ra, phụ nữ còn có thể thực hiện các xét nghiệm sàng lọc khác như: HPV test, khám cổ tử cung với test acetic (VIA),… Ở đàn ông hiện chưa có các xét nghiệm đặc hiệu tầm soát và phát hiện sớm các bệnh ung thư do virus HPV.

5.3. Tình dục lành mạnh và an toàn

Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục không an toàn, đặc biệt là với những đối tượng không sử dụng bao cao su khi quan hệ, quan hệ với nhiều bạn tình, quan hệ với người không quen,…

Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus HPV, phụ nữ, nam giới, người thuộc cộng đồng LGBT, MSM nên quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn, sử dụng bao cao su đầy đủ, chung thủy 1 vợ 1 chồng và không quan hệ với người lạ.

6. Cần làm gì khi dương tính với 12 type HPV nguy cơ cao?

Khi nhận được kết quả dương tính với 12 type virus HPV, người bệnh đừng quá hoang mang, lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe. Dương tính với virus HPV không đồng nghĩa với việc mắc ung thư mà chỉ là có nguy cơ mắc. Thực tế, nhiều trường hợp cơ thể có thể tự đào thải virus HPV sau một thời gian. Điều bạn cần làm sau khi nhận được kết quả dương tính với 1 trong 12 hoặc cả 12 type HPV nguy cơ cao là bình tĩnh, nghe theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu, định kỳ nhằm đánh giá chính xác tình hình sức khỏe của bản thân.

12 type HPV nguy cơ cao hoàn toàn có thể phòng ngừa hiệu quả từ sớm nếu như chúng ta tập thói quen quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn; thường xuyên tầm soát sức khỏe định kỳ và quan trọng nhất là chủ động tiêm phòng vắc xin HPV cho trẻ em, người lớn từ 9-45 tuổi.