Bệnh lậu là căn bệnh phổ biến, có khả năng lây truyền qua đường tình dục cho cả nam và nữ. Bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, sức khỏe người bệnh bởi khả năng gây nhiễm trùng cơ quan sinh dục ngoài, trực tràng và cổ họng. Trong những trường hợp nặng, bệnh lậu còn có thể dẫn đến vô sinh. Nhận biết được biểu hiện của bệnh và phương pháp phòng ngừa giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nội Dung Chính
- Lậu là bệnh gì?
- Nguyên nhân gây bệnh lậu?
- Đường lây truyền bệnh lậu
- Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh lậu
- Thời gian ủ bệnh và các giai đoạn của bệnh lậu
- Các biến chứng thường gặp của bệnh lậu
- Phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh lậu
- Điều trị bệnh lậu
- Những phương pháp phòng ngừa bệnh lậu
Lậu là bệnh gì?
Lậu là căn bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục. Bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ mắc bệnh. Theo báo cáo của Viện Da liễu Quốc gia, trong độ tuổi từ 15 đến 49 mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung, tỷ lệ người mắc bệnh lậu chiếm khoảng 93% đến 98%. Hàng năm trên toàn cầu có khoảng 62 triệu trường hợp mới mắc bệnh lậu, khu vực Đông và Đông Nam Á có 29 triệu trường hợp. Việt nam, theo báo cáo hàng năm có hơn 3.000 trường hợp, tuy nhiên theo ước tính thì có khoảng vài chục ngàn trường hợp mỗi năm. Bệnh lậu chủ yếu lây qua quan hệ tình dục.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh lậu ở một số đối tượng tại Hà Nội năm 2003 cho thấy, 3% phụ nữ hành nghề mại dâm mắc bệnh lậu, 2% nam thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự mắc bệnh và 2,5% bệnh nhân nam đến khám các bệnh lây qua đường tình dục mắc bệnh. Tỷ lệ nam mắc bệnh sau khi quan hệ không an toàn với nữ bị bệnh lậu qua đường âm đạo là từ 20% đến 30%, tỷ lệ này ở nữ khi quan hệ tình dục với nam mắc bệnh là 60% đến 80%.
Nguyên nhân gây bệnh lậu?
Vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae được tìm thấy vào năm 1879 bởi nhà khoa học Albert Neisser, là nguyên nhân gây ra bệnh lậu. Khi quan sát dưới kính hiển vi, người ta thấy được vi khuẩn có dạng song cầu gram âm hình hạt cà phê đứng với nhau tạo thành cặp. Ở môi trường bên trong cơ thể, vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae có sức sống mãnh liệt, tuy nhiên ở môi trường bên ngoài vi khuẩn lậu thường chỉ tồn tại trong vòng vài phút. Tùy vào từng điều kiện môi trường và những chất tiếp xúc, mà khả năng tồn tại của vi khuẩn cũng khác nhau.
Hình dạng vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae gây bệnh lậu
Đường lây truyền bệnh lậu
Vi khuẩn bệnh lậu thường lây truyền chủ yếu qua đường tình dục khi quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn, hoặc quan hệ qua đường miệng, hậu môn. Bên cạnh đó, vi khuẩn lậu còn có thể lây truyền qua những con đường khác như:
- Dùng chung đồ dùng cá nhân: người lành có nguy cơ bị lây nhiễm lậu nếu dùng chung đồ lót, bàn chải, kem đánh răng, khăn tắm, dao cạo râu của người bệnh. Nếu trong gia đình có người bệnh, người thân cần đặc biệt lưu ý vấn đề này.
- Từ mẹ sang con: bệnh còn có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mẹ bị bệnh, sinh thường và không có các biện pháp can thiệp. Ngoài ra trong quá trình chăm sóc trẻ, mẹ cũng cần lưu ý không để dịch tiết dịch mủ dính vào cơ thể bé.
- Ngoài ra, vi khuẩn lậu còn có thể lây truyền qua đường máu, khi dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu hoặc tiếp xúc với vết thương hở.
Bệnh lậu có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mẹ bị bệnh, sinh thường và không có các biện pháp can thiệp
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Bất kỳ ai có hoạt động tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh lậu. Tuy nhiên, vẫn có một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, như:
- Những người quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su.
- Người có nhiều bạn tình.
- Người mắc một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, hoặc HIV.
- Người quan hệ tình dục ở trạng thái không tỉnh táo (như sử dụng ma túy hoặc rượu), làm giảm khả năng sử dụng bao cao su đúng cách.
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh lậu
Trong hầu hết các trường hợp, sau khi nhiễm bệnh lậu từ 3 đến 5 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bị nhiễm bệnh cũng có thể không xuất hiện triệu chứng.
Triệu chứng lâm sàng ở nam giới
- Viêm niệu đạo trước cấp tính: thường gặp ở 90% người mắc bệnh lậu, với các triệu chứng như ngứa nhiều hoặc ít ở miệng sáo, hố thuyền, các mép ở miệng sáo trở nên tấy đỏ, lậu cầu phát triển ở niêm mạc niệu đạo trước gây nên tình trạng viêm xuất tiết. Chất nhầy chảy ra kèm theo đái nóng, buốt nhẹ. Sau đó, chất mủ màng trắng đục hoặc vàng đục chảy ra, cảm giác nóng buốt tăng lên khiến người bệnh có cảm giác tiểu buốt, thậm chí tiểu từng giọt. Khi tiến hành thử nghiệm nước tiểu ở 2 cốc thì chỉ có cốc nước tiểu thứ nhất đục.
- Viêm niệu đạo toàn bộ: khi không được điều trị kịp thời, sau 10 đến 15 ngày bệnh có thể nhân có thể bị tiểu dắt, tiểu khó khăn, có thể tiểu ra vài giọt máu, mủ chảy ra nhiều hơn, hạch bẹn có thể sưng đau, bị cường dương và đau khi dương vật cương lên. Khi thử nghiệm nước tiểu 2 cốc thì cả 2 đều đục.
Bệnh có thể tiến triển thành lậu mạn tính nếu sau 1 tháng kể từ khi nhiễm bệnh, bệnh nhân không được điều trị. Khi đó, triệu chứng tiểu buốt, tiểu rắt giảm dần, chỉ có giọt nhầy mủ lúc sáng sớm chưa đi tiểu gọi là dấu hiệu giọt ban mai.
Trong một số trường hợp dù được điều trị đúng, bệnh vẫn có thể chuyển thành bán cấp với các tổn thương sau: viêm các tuyến khu trú cạnh dây hãm ở rãnh quy đầu, viêm các tuyến Littre, viêm tuyến Cowper, viêm các ống và các tuyến khu trú cạnh miệng sáo.
Hãy tham khảo thêm về các bệnh tình dục ở nam giới ← tại đây nhé bạn.
Triệu chứng lâm sàng ở nữ giới
Thông thường thời gian ủ bệnh ở nữ giới sẽ từ 2 tuần trở lên. Sau đó, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng lâm sàng như:
- Đái dắt, đau sau khi giao hợp và đau ở vùng xương chậu. Khi khám có thể thấy tình trạng viêm niệu đạo, viêm cổ tử cung có mủ, viêm âm hộ, âm đạo, có khi viêm tuyến Bartholin, viêm niệu đạo và tuyến Skène. Rất hiếm trường hợp phụ nữ có các biểu hiện lâm sàng cấp tính.
- Bệnh lậu ở nữ thường bắt đầu bằng viêm niệu đạo kín đáo. Người bệnh đái khó và có cảm giác nóng rát khi đi tiểu, lỗ niệu đạo bình thường, khi ấn vào niệu đạo có mủ chảy ra (thường khám sau khi đi tiểu ít nhất 3 giờ).
- Viêm cổ tử cung: biểu hiện bằng ra khí hư, lỗ tử cung đỏ, trợt phù, lộ tuyến.
- Viêm vòi trứng: viêm lan từ âm đạo, cổ tử cung lên. Hiếm khi theo đường máu.
Thời gian ủ bệnh và các giai đoạn của bệnh lậu
Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu được tính từ sau khi bệnh nhân tiếp xúc với vi khuẩn lậu cho đến khi các triệu chứng được biểu hiện rõ ra bên ngoài. Thông thường, thời gian ủ bệnh của bệnh lậu khá ngắn dao động trong khoảng từ 1 – 14 ngày. Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người mà thời gian ủ bệnh khác nhau. Ngoài ra, thời gian ủ bệnh còn phụ thuộc vào độ mạnh yếu của vi khuẩn. Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh chưa có những triệu chứng lâm sàng nhưng đã có thể lây truyền bệnh cho người lành. Cũng trong thời gian này, vi khuẩn có thể tấn công các cơ quan khác như niệu đạo, cổ tử cung, trực tràng và cổ họng.
Bệnh lậu phát triển qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: vi khuẩn lậu xâm nhập vào niệu đạo. Sau 36 tiếng, vi khuẩn tấn công cơ thể và bắt đầu phát triển.
- Giai đoạn 2: vi khuẩn bắt đầu phát triển.
- Giai đoạn 3: các triệu chứng ban đầu của bệnh bắt đầu xuất hiện.
Các biến chứng thường gặp của bệnh lậu
Bệnh lậu có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm cho cả nam và nữ, như: viêm hậu môn – trực tràng, viêm họng do lậu, viêm khớp do lậu, viêm quanh gan, biến chứng ở tim hay lậu mắt.
- Viêm hậu môn – trực tràng: do giao hợp đường hậu môn mà không sử dụng các biện pháp an toàn. Triệu chứng là đau, tiết dịch mủ ở hậu môn – trực tràng.
- Viêm họng do lậu.
- Viêm khớp do lậu: xảy ra đồng thời ở lậu cấp đường sinh dục.
- Biểu hiện ở da vùng sinh dục: có túi mủ, mụn mủ khu trú gần bộ phận sinh dục.
- Biến chứng toàn thân có thể có dát đỏ, ban mề đay, hồng ban.
- Viêm quanh gan, có thể có hội chứng Fitz-Hugh-Curtis (hội chứng thường gặp ở nữ giới, gây viêm quanh gan và có thể dẫn đến dính bao gan với phúc mạc).
- Lậu mắt: viêm kết mạc thường thấy ở trẻ sơ sinh do lậu (vi khuẩn lậu thường được truyền sang trẻ sơ sinh trong quá trình sinh con), có thể dẫn đến loét giác mạc, thủng giác mạc.
Ngoài ra, bệnh lậu còn có thể gây biến chứng ở tim như viêm nội mạc do lậu cầu khuẩn.
Phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh lậu
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh ngoài dựa vào tiểu sử và các triệu chứng lâm sàng ở người bệnh, các bác sĩ còn có thể dựa vào việc thực hiện các xét nghiệm.
- Phương pháp xét nghiệm trực tiếp: nhuộm bệnh phẩm, soi thấy vi khuẩn lậu bắt màu gram (-), nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân.
- Phương pháp nuôi cấy, phân lập: trong môi trường chọn lọc Thayer-martin hoặc thạch sôcôla, nhiệt độ 35- 36°C, CO2 3%- 10%. Các bác sĩ có thể xác định được sự có mặt các khuẩn lạc nghi ngờ lậu từ 24 đến 48 giờ.
- PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật mới có độ đặc hiệu và độ nhạy cao.
Cần khám lâm sàng và xét nghiệm tìm căn nguyên để chẩn đoán phân biệt bệnh lậu với các viêm niệu đạo không phải do vi khuẩn lậu như viêm niệu đạo do nấm Candida, do ký sinh trùng Trichomonas, do tụ cầu, liên cầu.
Các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh lậu
Điều trị bệnh lậu
Lậu là bệnh có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Vì vậy, nếu vẫn còn triệu chứng sau khi uống hết thuốc, người bệnh nên đến gặp bác sĩ. Người bệnh lậu cũng đừng quên uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và không chia sẻ thuốc với người khác. Khi điều trị bệnh lậu, người bệnh nên tuân thủ những nguyên tắc chung sau:
- Điều trị cho cả vợ, chồng và bạn tình.
- Bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh những hoạt động gây sang chấn bộ phận sinh dục – tiết niệu như đi xe đạp, chạy nhảy,…
- Kết hợp điều trị các nhiễm khuẩn sau lậu (C.trachomatis, liên cầu, tạp khuẩn…).
- Khám lâm sàng và xét nghiệm lại định kỳ.
Phác đồ điều trị bệnh nhân lậu không biến chứng
- Spectinomycin 2 gram tiêm bắp liều duy nhất hoặc Ceftriaxone 250mg tiêm bắp liều duy nhất.
- Sau đó dùng Doxycyclin 100 mg x 2 viên/ngày x 7 ngày.
Phác đồ điều trị bệnh nhân lậu gặp biến chứng
- Ceftriaxone 1 gram/1 ngày tiêm bắp x 3- 7 ngày. Sau đó dùng Doxycyclin 100 mg x 2 viên/ngày x 7 ngày.
Trong các trường hợp nặng hơn như biến chứng viêm màng não, viêm nội tâm mạc do lậu, bác sĩ vẫn có thể dùng liều lượng trên, nhưng phải kéo dài đến 4 tuần lễ.
Những phương pháp phòng ngừa bệnh lậu
Bạn có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh lậu bằng cách tuân thủ những điều sau:
- Luôn sử dụng bao cao su, tấm bảo vệ miệng (vật chặn răng) khi quan hệ tình dục bằng miệng hay qua đường âm đạo, hậu môn.
- Giảm thiểu số bạn tình khi lựa chọn quan hệ tình dục.
- Trao đổi với bạn tình về tình trạng sức khỏe của họ và thực hiện các xét nghiệm.
- Thảo luận với bác sĩ về an toàn trong tình dục và thực hiện xét nghiệm.
Lưu ý sinh hoạt tình dục dưới tác động của ma túy hoặc rượu có thể tăng nguy cơ hoạt động tình dục không được bảo vệ.
Lậu là một bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, bạn cần quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của bản thân khi quan hệ tình dục và hãy đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xét nghiệm khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh. Bạn cũng đừng nên ngại ngùng, lo lắng khi đến làm xét nghiệm, vì quá trình chẩn đoán, tư vấn và điều trị sẽ được giữ bí mật.