Virus HPV ở nam giới gây bệnh gì? Dấu hiệu bị nhiễm

Virus HPV không chỉ là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung và các bệnh phụ khoa ở nữ giới, mà còn có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm ở nam giới như ung thư hậu môn, ung thư dương vật, mụn cóc sinh dục. HPV ở nam giới hầu hết đều không có triệu chứng và bất thường cho sức khỏe người nhiễm virus.

1. Nam giới có bị nhiễm HPV không?

Human Papillomavirus (HPV) là tên khoa học gọi chung của nhiều chủng virus gây u nhú ở người. Theo thống kê, đến nay các nhà khoa học đã phân lập được trên 200 chủng virus HPV, trong đó virus được phân loại thành 2 nhóm chính: Nhóm nguy cơ cao gây ung thư và nhóm nguy cơ thấp gây nên các sang thương dạng u nhú thông thường.

Virus HPV là nguyên nhân gây hơn 90% các ca ung thư cổ tử cung và ung thư hậu môn. Không chỉ lây truyền ở nữ giới, HPV ở nam giới còn đặc biệt nguy hiểm, đặc biệt là ung thư vòm họng với tỷ lệ cao gấp 5 lần phụ nữ.

Mỗi năm, tại Hoa Kỳ có hơn 42 nghìn ca ung thư liên quan đến virus HPV, trong đó có khoảng 18.300 ca ở nam giới. HPV ở nam giới là nguyên nhân của hơn 90% trường hợp ung thư hậu môn, hơn 60% trường hợp ung thư dương vật và hơn 70% trường hợp ung thư vòm họng. Nguy cơ ở những người có quan hệ tình dục đồng giới cao gấp 17 lần so với những người có quan hệ tình dục dị giới.

2. Đường lây nhiễm HPV ở nam giới

Con đường lây truyền chính của các loại virus HPV là qua tiếp xúc trực tiếp bề mặt da tại các vùng khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, virus HPV còn có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết thương hở, dùng chung các đồ dùng cá nhân,…

Virus HPV lây truyền từ người sang người qua quan hệ tình dục (bằng miệng, hậu môn, âm đạo) hoặc tiếp xúc qua da thịt. Nguy cơ nhiễm virus HPV tăng lên ở những người có quan hệ với nhiều bạn tình, người cắt bao quy đầu, da bị tổn thương, xây xước, quan hệ tình dục đồng giới (ở cộng đồng MSM) không sử dụng biện pháp an toàn.

Quan hệ tình dục đồng giới không sử dụng biện pháp an toàn là một trong những đối tượng nguy cơ cao nhiễm virus HPV

Virus HPV có thể ẩn nấp trong cơ thể nhiều năm, không biểu hiện triệu chứng, nên rất khó để biết được bị nhiễm virus thì bạn tình nào hoặc nhiễm từ khi nào. Nam và nữ giới có hoạt động tình dục, ngay cả khi chỉ có 1 bạn tình, vẫn có nguy cơ nhiễm virus HPV. Ước tính xác suất nhiễm virus HPV suốt đời trung bình của những người có ít nhất 1 bạn tình khác giới là: 85% ở nữ giới và 91% ở nam giới.

3. Dấu hiệu nhiễm HPV ở nam giới

Đa số nam giới nhiễm virus HPV thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Một số trường hợp biểu hiện sang thương dưới dạng u nhú, mụn cóc trên dương vật, tinh hoàn, hậu môn, háng, đùi, lưỡi và sau họng. Kích thước mụn cóc có thể nhỏ hoặc lớn, nhô cao hoặc phẳng trên da, có hình mào gà, hoa súp lơ. Mụn cóc có thể nổi đơn độc hoặc nổi thành nhóm ở khu vực xung quanh hậu môn hoặc bộ phận sinh dục và không gây đau.

Nam giới có tỷ lệ tái phát mụn cóc sinh dục cao: 44% nam giới có ít nhất một lần tái phát mụn cóc sinh dục, 22% nam giới tái phát mụn cóc sinh dục ít nhất 2 lần. Mụn cóc sinh dục liên quan đến HPV có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống nam giới, gây lo lắng, mất tự tin, trầm cảm, khó khăn trong quan hệ tình dục. Điều trị khó khăn, tỉ lệ tái phát cao, chi phí điều trị tốn kém.

Mụn cóc sinh dục ở người nhiễm virus HPV

4. Khả năng hình thành ung thư khi nam giới nhiễm virus HPV

Nhiễm trùng do virus HPV có thể gây ra một số thay đổi trong cơ thể dẫn đến ung thư. Tiến trình này thường rất chậm, thậm chí có thể kéo dài nhiều năm sau khi một người nhiễm virus HPV.

Theo CDC, năm 2020, mỗi năm Hoa Kỳ có hơn 14 nghìn nam giới mắc các loại ung thư do virus HPV gây ra, trong đó có khoảng 1.000 trường hợp ung thư dương vật, hơn 2.000 trường hợp ung thư hậu môn. Hơn 80% trường hợp ung thư hậu môn do virus HPV gây ra. Nguy cơ ung thư ở những người quan hệ tình dục đồng giới (cộng đồng MSM) cao gấp 17 lần so với những người quan hệ tình dục dị giới.

⇒ Xem ngay 12 type HPV nguy cơ cao hình thành ung thư

4.1 Ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn là hiện tượng phát triển bất thường các tế bào trong lớp niêm mạc hậu môn tạo thành các khối u và có nguy cơ di căn sang các vùng lân cận.

Ung thư hậu môn tương đối hiếm gặp. Tuy nhiên, tỉ lệ ung thư hậu môn ở cả nam và nữ đang có xu hướng gia tăng trong những năm qua. Theo ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư hậu môn ở Hoa Kỳ năm 2013 là khoản 7.060 trường hợp mới (4.430 là phụ nữ và 2.630 là nam giới), trong đó có tới 880 trường hợp tử vong (550 phụ nữ, 330 nam).

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn có thể kể đến như:

  • Nhiễm trùng do virus HPV: Không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung ở nữ giới, virus HPV được phát hiện trong hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn.
  • Những người bị bệnh HIV: Những đối tượng suy giảm hệ miễn dịch do HIV thường có nguy cơ cao mắc nhiều căn bệnh, trong đó có ung thư hậu môn.
  • Hoạt động tình dục bừa bãi, không an toàn: Ung thư hậu môn còn thường hay gặp ở những đối tượng có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, không sử dụng biện pháp an toàn như bao cao su khi quan hệ,… có nguy cơ nhiễm virus HPV cao hơn, đồng thời tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn.
  • Hút thuốc lá: Những người thường xuyên hút thuốc lá không chỉ phải đối mặt với nguy cơ cao mắc ung thư phổi hay các bệnh lý về tim mạch, ung thư vòm họng, mà còn có nguy cơ mắc ung thư hậu môn ngay cả khi bỏ thuốc lá.
  • Hệ miễn dịch yếu: Những người suy giảm miễn dịch do HIV hoặc do thường xuyên sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, những người từng phẫu thuật ghép tạng cũng có thể phải đối mặt với bệnh ung thư hậu môn.
  • Người cao tuổi: Ung thư hậu môn thường gặp ở những người trên 50 tuổi.

Đa phần những bệnh nhân ung thư hậu môn giai đoạn đầu không biểu hiện triệu chứng. Một số người xuất hiện triệu chứng chảy máu bất thường, nhưng lại hiểu lầm là do bệnh trĩ. Bên cạnh triệu chứng chảy máu bất thường, ung thư hậu môn còn có thể gây ngứa hậu môn liên tục, cảm nhận có khối u ở hậu môn, thường cảm thấy nhạy cảm hoặc đau nhức vùng hậu môn, thay đổi thói quen vệ sinh như đi tiểu bất thường, són phân, ra dịch bất thường ở hậu môn, các hạch bạch huyết vùng háng hoặc hậu môn bị sưng.

Căn cứ vào kích thước khối u, sự di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan đi xa hơn để các bác sĩ xác định giai đoạn của bệnh ung thư hậu môn. Ở giai đoạn sớm, khả năng trị khỏi bệnh cao. Do đó, bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu nghi ngờ ung thư hậu môn.

4.2 Ung thư dương vật

Năm 2020, toàn thế giới có 36 nghìn người được chẩn đoán ung thư dương vật. Ung thư dương vật là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời; ngược lại, nếu điều trị chậm trễ có thể dẫn đến di căn tỉ lệ sống sót sau 5 năm của người bệnh chỉ còn 9%.

Ung thư dương vật thường gặp ở người trên 60 tuổi, tuy nhiên nếu có một trong các yếu tố sau, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn:

  • Người nhiễm virus HPV;
  • Hút thuốc;
  • Hệ miễn dịch suy yếu do HIV/ AIDS;
  • Không cắt bao quy đầu, khi ấy chất lỏng và các chất khác có thể tích tụ dưới bao quy đầu, tăng khả năng phát triển thành ung thư;
  • Nam giới bị hẹp bao quy đầu gây khó khăn trong việc vệ sinh, dẫn đến tình trạng tích tụ chất lỏng, cặn bã;
  • Người đã từng điều trị bệnh vẩy nến bằng thuốc psoralen và tia cực tím (UV).

Triệu chứng ung thư dương vật chủ yếu biểu hiện ở vết loét, viêm nhiễm bất thường, tiết dịch mủ có mùi hôi, chảy máu bất thường dương vật hoặc dưới bao quy đầu, sưng đau dương vật, hạch, bẹn,….

Nếu được phát hiện và điều trị tích cực ung thư dương vật ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể cắt phần ung thư hoặc cắt bán phần dương vật, nạo vét hạch bẹn, kết hợp hóa xạ trị. Ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư có thể di căn đến hạch hai bên, nội tạng trong ổ bụng như trực tràng, bàng quang,… dẫn tới phẫu thuật cắt toàn bộ dương vật ảnh hưởng nặng nề chất lượng cuộc sống, sức khỏe và khả năng sinh sản của người bệnh.


Ung thư dương vật giai đoạn sớm có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, kết hợp hóa xạ trị

Nam giới từ 60 tuổi nên thường xuyên kiểm tra những thay đổi trên vùng kín (nhất là da), kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nam học, ung bướu nhằm tầm soát ung thư dương vật khi có các yếu tố nguy cơ, duy trì đời sống tình dục lành mạnh, sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ nhằm giảm nguy cơ nhiễm virus HPV, không hút thuốc và uống rượu bia, nâng cao sức khỏe bằng việc tập thể dục hằng ngày, ăn uống khoa học, tránh căng thẳng. Ngoài ra, cắt bao quy đầu được xem là phương pháp phòng ung thư dương vật hiệu quả cho nam giới.

4.3 Ung thư vòm họng

Tỉ lệ mắc ung thư vòm họng do virus HPV ở nam giới cao gấp 5,3 lần so với nữ giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư vòm họng chiếm đến 12%, một con số khá cao so với các bệnh ung thư khác; trong đó, hơn 70% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối.

Thực tế, phát hiện sớm là yếu tố tiên quyết để quyết định hiệu quả điều trị ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng. Tuy nhiên, vì có những triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác nên bệnh nhân ung thư vòm họng đa số chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối. Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi có những biểu hiện sau, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời tầm soát và xác định ung thư vòm họng:

  • Đau họng kéo dài hơn 1 tuần, uống thuốc không hiệu quả;
  • Ngạt và tắc mũi kéo dài;
  • Khó nghe, khó nói, bất chợt chảy máu cam, khó thở;
  • Nổi hạch bất thường vòm họng kèm đau nửa đầu.

Ung thư vòm họng thường phổ biến ở nam giới độ tuổi từ 40 – 60 tuổi. Những người thường hay uống rượu, hút thuốc, ăn các đồ lên men, thói quen sinh hoạt tình dục không lành mạnh thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Để chủ động phòng ngừa ung thư vòm họng, người dân cần áp dụng một số biện pháp sau:

  • Kiêng rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá;
  • Tránh ăn thức ăn quá mặn như thịt muối, cá muối, thức ăn lên men như dưa muối, cà muối;
  • Tránh ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh;
  • Sinh hoạt tình dục lành mạnh, có 1 bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ;
  • Thường xuyên tập thể dục, thể thao tăng cường sức khỏe.

Tùy vào từng giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp như xạ trị, hóa trị. Đối với bệnh nhân giai đoạn cuối, việc điều trị mang ý nghĩa kéo dài sự sống, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Bạn có thể tham khảo thêm về 9 bệnh tình dục ở nam giới: dấu hiệu và cách phòng lây nhiễm.

5. Xét nghiệm HPV ở nam giới

Hiện nay, đã có xét nghiệm virus HPV ở nam giới. Tuy nhiên những phương pháp xét nghiệm HPV được lưu hành ở thời điểm hiện tại thường được chỉ định cho nữ giới.

Khi nhiễm virus HPV, nam giới có thể xuất hiện các triệu chứng như mụn cóc sinh dục, các dấu hiệu cảnh báo ung thư như đau họng, nghẹt mũi kéo dài, kháng thuốc; nổi hạch; chảy máu cam; chảy dịch bất thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nam giới thường không xuất hiện triệu chứng khiến việc phát hiện và điều trị gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Do đó, với những đối tượng nguy cơ cao nhiễm virus HPV, ngay khi xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ cần đến các bệnh viện có chuyên khoa nam học để được chẩn đoán, điều trị.

6. Cách điều trị HPV ở nam giới

Không có cách điều trị virus HPV ở nam giới, nếu người nhiễm virus không xuất hiện các triệu chứng. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị các vấn đề về sức khỏe do virus HPV gây ra. Ví dụ, người bị sùi mào gà do virus HPV có thể bôi thuốc theo toa hoặc đốt/ phẫu thuật loại bỏ sùi tại bệnh viện.

7. Làm sao để phòng ngừa HPV ở nam giới?

7.1 Tiêm ngừa

Quan hệ tình dục an toàn và tiêm phòng vắc xin ngừa HPV cho nam giới là bộ đôi chìa khóa giúp giảm nguy cơ nhiễm HPV. Vì quan hệ tình dục an toàn với bao cao su không thể bảo vệ hoàn toàn bề mặt da tiếp xúc, virus HPV vẫn có thể lây nhiễm qua bề mặt da không được bảo vệ bởi bao cao su.

Vắc xin phòng sùi mào gà, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng,… do virus HPV tuýp 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 được chỉ định tiêm cho tất cả nam giới và nữ giới  từ 9 đến 45 tuổi. Đặc biệt cần tiêm vắc xin cho những đối tượng có quan hệ tình dục đồng giới (cộng đồng MSM) cho đến 45 tuổi, những người suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/ AIDS đến 45 tuổi cũng rất cần được tiêm vắc xin nếu chưa được tiêm phòng lúc nhỏ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiêm vắc xin phòng HPV trước khi có các hoạt động tình dục có thể giảm đến 90% nguy cơ mắc các bệnh do virus HPV gây ra. Nếu một người đã nhiễm 1 hoặc 1 vài chủng virus HPV vẫn có thể tiêm phòng vắc xin cho đến 45 tuổi để phòng ngừa các chủng virus HPV khác có trong vắc xin mà bản thân chưa bị nhiễm.

7.2 Phòng ngừa trong hoạt động tình dục

Bên cạnh tiêm vắc xin đầy đủ, hoạt động tình dục an toàn là cách phòng ngừa virus HPV hiệu quả. Bao cao su có thể bảo vệ nam giới khỏi nguy cơ lây nhiễm virus HPV nhưng sẽ không đạt hiệu quả 100%. Vì virus HPV lây truyền chủ yếu thông qua da kề da, do đó virus vẫn có thể tấn công những vùng da ngoài độ che phủ của bao cao su. Nếu bạn tình thường xuyên sử dụng bao cao su khi quan hệ, khả năng nhiễm virus HPV của bạn sẽ giảm 70%.

Nguy cơ lây nhiễm virus HPV cũng sẽ giảm xuống nếu một người quan hệ một vợ một chồng. Tuy nhiên, nếu vợ/ chồng của bạn phát hiện nhiễm virus HPV không có nghĩa là họ phản bội bạn để quan hệ với một người khác. Virus HPV có thể trú ngụ trong cơ thể nhiều năm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

8. Các câu hỏi thường gặp.

8.1 Độ tuổi nào có thể tiêm ngừa HPV ở nam giới?

Hiện, Việt Nam đang lưu hành vắc xin phòng HPV – Gardasil 9 (Mỹ) được chỉ định tiêm cho nam giới và nữ giới từ 9 đến 45 tuổi.

8.2 HPV ở nam giới có thể tự khỏi không?

Hiện đã có xét nghiệm để kiểm tra tình trạng nhiễm virus HPV ở nam giới. và theo nghiên cứu, virus HPV có thể tự đào thải mà không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Một số trường hợp nhiễm virus HPV có thể kéo dài. Một số chủng virus HPV không tự đào thải mà trở thành tác nhân gây bệnh sùi mào gà hoặc liên quan đến ung thư.

8.3 Nam giới có thể sống chung với virus HPV không?

Nam giới có thể sống và sinh hoạt bình thường nếu có không may bị nhiễm virus HPV không biểu hiện triệu chứng. Nhiều trường hợp virus sẽ tự đào thải ra khỏi cơ thể. Nếu virus gây nên những vấn đề về sức khỏe như sùi mào gà, bạn vẫn có thể điều trị hiệu quả bằng phương pháp bôi thuốc hoặc đốt điện tại bệnh viện. Nếu những tuýp virus HPV nguy cơ cao như 16, 18 dẫn đến ung thư, bạn có thể điều trị hiệu quả và tích cực ở giai đoạn sớm của bệnh.

Nhiễm virus HPV không phải là dấu chấm hết. Tuy nhiên, tiêm ngừa vắc xin ngay khi từ sớm là phương pháp phòng bệnh chủ động, an toàn, hiệu quả cho nam giới và nữ giới. Liên hệ Hotline 0973 125 115 để được Trung tâm xét nghiệm y khoa LABVIET tư vấn, đặt lịch xét nghiệm kiểm tra tình trạng nhiễm HPV ở nam giới.